Bắt đầu tham quan nhà máy là hai chiếc bục phát biểu tự di chuyển; nghi lễ cắt băng cũng được tự động hóa, đủ cho thấy THACO tinh tế thế nào khi muốn khẳng định cách mạng 4.0 thực sự đã hiện diện tại nhà máy Mazda lớn nhất khu vực mà họ dày công gây dựng 1 năm qua.
4 bước mà Mazda áp dụng để sở hữu một nhà máy thông minh.
Sự sôi động của dàn nhạc chào mừng đại biểu bỗng im bặt để nhường chỗ cho nhân vật vốn không mấy được để ý tại tất cả sự kiện từng diễn ra trước đây. Đó là bục phát biểu.
Khoảng hơn 5 giây, chú robot được lập trình sẵn bên trong bục phát biểu này đã di chuyển từ cánh gà ra đúng vị trí của người chủ trì buổi lễ quan trọng - ông Phạm Văn Tài - người đang giữ chức phó tổng Giám đốc Trường Hải kiêm tổng Giám đốc khu phức hợp Chu Lai, nơi nhà máy Mazda được xây dựng. Cả khán phòng ồ lên và phải dành cho THACO một tràng pháo tay vì sự xếp sắp đầy ẩn ý này.
Hơn ai hết, THACO muốn báo cáo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (người cũng có mặt tại buổi lễ) cùng các lãnh đạo bộ ngành Trung ương, các khách mời và giới truyền thông về việc cách mạng 4.0 đã thực sự hiện diện ở nhà máy Mazda lớn, hiện đại nhất Đông Nam Á.
Cách mạng công nghiệp 4.0 được đề cao và rõ ràng trong tấm biển giữa nhà máy - nơi mà công nhân luôn nhìn thấy mỗi ngày làm việc.
Từ nhà máy này, tập đoàn Mazda Nhật Bản khẳng định kỳ vọng Việt Nam có thể cải thiện được thứ hạng từ vị trí bán chạy thứ 10 thế giới trong năm qua. Quan trọng hơn, đây sẽ là nơi xuất khẩu Mazda ra toàn khu vực Đông Nam Á với thuế 0% khi tỷ lệ nội địa hoá đã được nhấn mạnh là tối thiếu 40%.
Tham vọng đó được đặt vào con số 50.000 xe xuất xưởng một năm trong giai đoạn đầu và tăng lên gấp đôi, 100.000 xe/năm, trong giai đoạn thứ 2 (dự kiến từ năm 2019). Tổng vốn đầu tư 12.000 nghìn tỷ đồng đã được giải ngân 7.000 tỷ đồng trong giai đoạn 1.
Tại đây, Mazda sẽ có thể đón các chuyến tàu từ nhiều quốc gia. Mới nhất là chuyến hàng từ Nhật Bản, gồm: linh kiện, phụ tùng các dòng xe Mazda, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất và lắp ráp ô tô cho nhà máy THACO Mazda và nguyên vật liệu phục vụ cho KCN cơ khí ô tô Chu Lai Trường Hải; tần suất khai thác: 1 chuyến/tuần, với sản lượng THACO đăng ký tương ứng 400 - 600 TEUs/tuần.
Hiện nay, cảng Chu Lai đang có các tuyến container định kỳ: Hàn Quốc – Chu Lai; Trung Quốc – Chu Lai; Nhật Bản – Chu Lai và Chu Lai – TP.HCM – Hải Phòng.
Cắt băng khánh thành gồm có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, các lãnh đạo bộ ngành Trung ương và lãnh đạo của Trường Hải.
Robot xuất hiện khá dày đặc trong nhà máy Mazda mới.
Nhà máy có diện tích 30,3 ha trong đó 17,3 ha nhà xưởng. Theo khẳng định từ phía THACO, nhà máy được chuyển giao công nghệ hoàn toàn mới với tiêu chuẩn cao cấp hơn của tập đoàn Mazda nhằm đáp ứng yêu cầu chất lượng của sản phẩm thế hệ mới của Mazda toàn cầu theo hướng ít tiêu hao nhiên liệu, sử dụng năng lượng điện và thân thiện với môi trường. Nhà máy được đầu tư các dây chuyền, thiết bị hiện đại, tự động hóa và công nghệ mới nhất, bao gồm: Dây chuyền hàn bằng robot với công nghệ hàn laser,... Hệ thống sơn tĩnh điện với công nghệ nhúng liên tục; Dây chuyền sơn màu với công nghệ sơn wet on wet (sơn lót và sơn hoàn thiện không qua công đoạn sấy) đáp ứng tiêu chuẩn bề mặt theo yêu cầu khắt khe của các màu sơn cao cấp,...
Dây chuyền lắp ráp 80% tự động hóa. Công nhân vẫn xuất hiện ở một số khâu của sản xuất.