Có thể tài xế ngủ gật khiến cỗ xe hạng nặng băng băng tiến gần xe phía trước mà không hề có dấu hiệu giảm tốc độ.
Đó là kịch bản xấu đã xảy ra vô số lần trong thực tế. Ngủ gật là diễn biến hoàn toàn có thể xảy ra với bất cứ tài xế nào. Với xe tải hạng nặng, nếu tai nạn xảy ra hậu quả thật khó lường, có thể khiến ai đó bị thương hoặc thiệt mạng.
Để giúp xe đang chạy ở tốc độ cao kịp thời dừng lại trước khi gặp va chạm, các hãng xe cũng như hãng công nghệ đưa ra giải pháp với tên gọi chung là "hỗ trợ phanh khẩn cấp" BAS (Brake Assist System).
|
Xe tải tổng trọng lượng 40 tấn phanh gấp và dừng sát sạt ôtô phía trước. Ảnh từ video.
|
Công dụng của BAS là rút ngắn quãng đường phanh. Trên cùng một đường thử, để phanh một chiếc xe đang chạy ở tốc độ 100 km/h, hệ thống phanh truyền thống cần quãng đường lên tới 73 m, trong khi với hệ thống trang bị BAS, xe sẽ dừng lại sau 40 m.
Thực tế, tài xế ngủ gật chỉ là một phần của những kịch bản xấu có thể xảy ra. Ngay cả khi tài xế hoàn toàn tỉnh táo, họ cũng không ít lần phải đối diện với tình huống bất ngờ phải phanh gấp. BAS khi đó hỗ trợ người lái tạo ra lực phanh lớn bởi khi hoảng sợ, việc đạp phanh thường thiếu lực.
Một công nghệ khác thường đi kèm BAS, đó là ABS (Anti-lock Braking System) - chống bó cứng phanh. Khi xe phanh gấp, BAS làm việc tạo lực phanh tối đa. Bánh xe có nguy cơ bó cứng, mất lực bám ngang, xe mất ổn định. Hệ thống chống bó cứng phanh ABS có thể giải quyết được vấn đề này.
BAS không phải mới xuất hiện, mà đã có từ ít nhất 20 năm. Tháng 12/2006, Mercedes giới thiệu với toàn thế giới mẫu S-class và SL-class trang bị BAS. Đến 1998, Mercedes trở thành hãng đầu tiên đưa công nghệ hỗ trợ phanh khẩn cấp thành trang bị tiêu chuẩn trên mọi mẫu xe mang logo ngôi sao 3 cánh. Những thương hiệu khác, gồm Volvo và BMW cũng sớm theo sau.