Nếu không bỏ trốn, liệu người gây tai nạn có an toàn trước sự vây hãm của người dân địa phương.
Câu hỏi này của tôi, biết chắc sẽ bị phản đối, ngay khi các bạn liếc thấy chữ "bỏ trốn". Nó như hòn đá ném thẳng vào đạo đức xã hội, đặc biệt với một nước Á đông như Việt Nam. Nhưng thực tế muôn màu muôn vẻ, làm sao để vừa đạo đức, vừa an toàn lại là điều khó.
Mới đây trên các diễn đàn, trang mạng xã hội bàn tán xôn xao vụ việc xe một ca sĩ nổi tiếng va chạm với xe khách ở Sapa. Trong đó, rất nhiều người vào tỏ ra ngưỡng mộ người ca sĩ vì cách xuất hiện, thái độ và giải quyết hậu quả vụ tai nạn rất có trách nhiệm và tình người.
Họ nói rằng một phần vì anh là ca sĩ hải ngoại, sống ở Mỹ rất lâu nên tiếp xúc với nền văn minh ở đó, cách xử lý cũng khác, nếu là người khác, chưa chắc đã làm như vậy. Nhưng tôi tự hỏi, chẳng may tình huống kia tồi tệ hơn, thì đâu mới là cách làm đúng đắn.
Báo đài Việt Nam nói nhiều những vụ việc lỡ đâm người nên bị quây đánh, giúp đỡ người bị tai nạn nhưng lại bị oan là người gây tai nạn. Nếu anh chàng ca sĩ kia là người bình thường không nổi tiếng, và vụ va chạm là với người dân địa phương, khiến người ta thương nặng, thậm chí tử vong, liệu có thể bước ra khỏi xe nhẹ nhàng, xuất hiện như trên sân khấu?
Tôi nghĩ là khó. Ít nhất không đánh đập thì cũng bị quây lại, đòi tiền, hôi của... Thân cô, thế cô, chạy đâu cho hết nắng? Tôi lại thấy hiểu được nguyên nhân (chỉ là hiểu được chứ không thông cảm, không cổ súy) cho những người gây tai nạn rồi bỏ trốn khỏi hiện trường, ngày hôm sau ra đầu thú.
Luật cũng đã quy định, người gây tai nạn phải có trách nhiệm ở lại hiện trường, đưa nạn nhân đi cấp cứu. Nhưng để an toàn cho bản thân, liệu nên có cái nhìn rộng lượng hơn với người gây tai nạn nhưng bỏ trốn khỏi hiện trường, hoặc cố thủ trong xe chờ cảnh sát tới, tất nhiên sau đó, họ có thái độ hợp tác với cơ quan pháp luật để giải quyết hậu quả.
Hải Anh