Ghế xe không được điều chỉnh hợp lý có thể gây ra những tình huống thiếu kiểm soát, dễ dẫn tới tai nạn giao thông.
Không phải tài xế nào cũng biết điều chỉnh ghế xe phù hợp và đúng nhất. Tư thế ngồi tốt có thể giúp tránh tai nạn, tăng mức độ an toàn và cải thiện sự thoải mái khi lái xe.
Bước 1: Mặc đúng trang phục
Không để quần áo và những thứ trang phục khác làm hạn chế việc lái xe. Vào mùa đông, áo khoác có thể gây trở ngại trong việc đánh lái cũng như chỉnh ghế hay cài/tháo dây an toàn. Nên chọn trang phục nhẹ nhàng và thoải mái.
Giày dép cũng là thứ bắt buộc phải để ý. Giày nên gọn và vừa chân, đồng thời phù hợp với việc đạp pedal. Không nên để chân trần, cũng không nên đi các loại giày ống hay giày cao gót. Giày có đế với độ dày vừa phải là thứ lý tưởng. Lái xe cũng được khuyên nên mặc quần dài thông thường.
Bước 2: Ngồi đúng tư thế
Đảm bảo bạn ngồi thẳng với phần mông và lưng vuông góc và hoàn toàn tì vào ghế. Điều đó giúp tránh đau lưng, có thể là cả những thương tổn về phần lưng và duy trì sự tỉnh táo suốt chặng đường.
Bước 3: Điều chỉnh khoảng cách ghế
Ghế xe được chỉnh nhằm tạo sự liên kết phù hợp với các pedal. Đạp chân phanh hết mức bằng chân phải, nhả chân côn (với xe số sàn) hoặc chân ga (với xe tự động) để chỉnh khoảng cách hợp lý. Khoảng cách có thể được chỉnh sao cho khi nhả các pedal, đầu gối của bạn hơi gập ở góc khoảng 120 độ.
Để đảm bảo độ chính xác, khởi động xe và đạp chân phanh vài lần trước khi kiểm tra lại. Nếu đầu gối duỗi thẳng, có nghĩa bạn ngồi quá xa. Nếu đầu gối gập góc 90 độ, thì là quá gần.
Nếu chân duỗi thẳng có nghĩa đầu gối bị khóa cứng. Điều đó giảm tác dụng của lực đòn bẩy cũng như giảm cảm giác với các pedal, khiến bạn phải cố sức hơn và tăng nguy cơ tương tổn cho chân trong trường hợp va chạm. Chân duỗi thẳng sẽ dễ bị gãy trong khi nếu đầu gối cong hơn sẽ dễ gập lại hơn.
Trong trường hợp ngồi quá gần, đầu gối gập vuông góc hoặc góc 100 độ, chân không hỗ trợ cơ thể hiệu quả và cũng khiến tuần hoàn máu kém hơn. Đầu gối cũng dễ đập vào phần dưới của táp-lô nếu có va chạm.
Bước 4: Chỉnh độ nghiêng ghế
Lưng ghế song song với cột vô-lăng là tốt nhất. Nhưng cũng có thể chỉnh lưng ghế ở độ nghiêng khoảng 95-110 độ. Sau khi chỉnh ghế, gồm cả độ cao và chỉnh vô-lăng, nên kiểm tra lại bằng cách đặt cổ tay ở điểm cao nhất của vô-lăng. Nếu cổ tay để thoải mái tại điểm đó, thậm chí có thể hơi ôm lấy vô-lăng, trong khi vẫn giữ vai tì vào lưng ghế tức tư thế đã đúng.
Bước 5: Chỉnh chiều cao vô-lăng
Chiều cao cột vô-lăng có thể được chỉnh sao cho song song với góc của lưng ghế và tạo sự quan sát dễ dàng tới bảng đồng hồ qua vô-lăng. Mức chỉnh lý tưởng cho thể cho phép bạn nắm vô-lăng thoải mái ở điểm 3 và 9 giờ với bàn tay thấp hơn vai.
Bước 6: Chỉnh khoảng cách cột vô-lăng
Chỉnh cùng với chiều cao vô-lăng. Khi nắm lấy vô-lăng, khuỷu tay bạn nên gập ở góc khoảng 120 độ. Khoảng cách nên là 30 cm giữa tâm trục và xương ức. Không nên tạo khoảng cách tới 45 cm.
Bước 7: Chỉnh chiều cao ghế
Công việc này cho phép bạn nhìn rõ đường phía trước trong kh vẫn quan sát tốt bảng điều khiển. Chiều cao thích hợp liên quan tới vô-lăng vào các pedal. Ở phần lớn các mẫu xe, chiều cao tương ứng cho phép bạn để chiều rộng bàn tay giữa đầu và trần xe.
Với xe mui trần hay kiểu trần cao, chỉnh ghế sao cho mắt bạn nằm phía trên tâm điểm của kính chắn gió, không để tấm che nắng cản tầm nhìn khi kéo xuống. Sau khi chỉnh chiều cao ghế, nên kiểm tra lại chân với các pedal.
Bước 8: Chỉnh tựa đầu
Tựa đầu nên cao hơn mí mắt và đặc biệt là gần nhất với đầu (khoảng cách 2-3 cm). Nếu khoảng cách này tới 7 cm sẽ tăng nguy cơ chấn thương cổ. Khi lái xe nên để đầu hơi hướng về phía trước. Nếu không thể chỉnh tựa đầu đạt khoảng cách yêu cầu, nên bù lại bằng việc chỉnh góc nghiêng lưng ghế.
Bước 9: Các tùy chỉnh cần thiết khác
Tựa lưng: giúp giải tỏa sức ép ở lưng. Với các lái xe có vấn đề ở vùng thắt lưng mà không có tựa lưng, có thể sử dụng một hoặc hai chiếc khăn bông cuộn tròn.
Phần tì 2 bên ghế: cũng nên điều chỉnh tối đa để có thể hỗ trợ mà không hạn chế khả năng nhả mọi pedal.
Mỹ Anh