Sẽ có nhiều liên doanh ô tô từ doanh nghiệp sản xuất ô tô của Nga hợp tác cùng các đối tác Việt Nam để sản xuất, lắp ráp ôtô tải, xe từ 10 chỗ trở lên...
"Tôi hy vọng, các liên doanh Việt - Nga này sẽ thành công góp phần phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam, đồng thời sẽ tận dụng các cơ hội để mở rộng hoạt động sang các thị trường ASEAN với dân số khoảng 640 triệu người".
Đó chính là nhận định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại lễ ký kết Nghị định thư sửa đổi Nghị định thư giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga về hỗ trợ sản xuất phương tiện vận tải có động cơ trên lãnh thổ Việt Nam diễn ra chiều 27/12 tại Bộ Công Thương.
Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất ô tô của Nga (KAMAZ, GAZ, UAZ...) sẽ cùng các đối tác Việt Nam thành lập một số liên doanh để sản xuất, lắp ráp ô tô tải, xe từ 10 chỗ trở lên, xe địa hình và một số loại xe chuyên dụng tại Việt Nam.
Ô tô do liên doanh sản xuất phải phù hợp với các định hướng tại Quyết định số 08/2017/QĐ-TTgCP của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định số 116/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô và các văn bản có liên quan khác.
Theo Nghị định thư sửa đổi, Việt Nam sẽ cho phép các liên doanh được nhập khẩu miễn thuế 2.550 xe nguyên chiếc và 13.500 bộ phụ tùng lắp ráp ô tô trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2022 để bán thăm dò dung lượng và thị hiếu của thị trường.
Nghị định thư sửa đổi sẽ giúp tạo thêm thuận lợi cho các nhà sản xuất ô tô của Liên bang Nga có thời gian tìm hiểu và thâm nhập thị trường Việt Nam cũng như tạo các cơ hội lựa chọn đa dạng cho người tiêu dùng Việt Nam.
Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước hợp tác sản xuất xe tải và xe buýt tại Việt Nam, sử dụng công nghệ và trình độ chuyên môn kỹ thuật của các nhà sản xuất có kinh nghiệm lâu năm của Nga như KAMAZ, UAZ và GAZ, hai bên đã thống nhất đồng ý lùi thời gian sử dụng hạn ngạch thuế quan để miễn thuế nhập khẩu các phương tiện vận tải nguyên chiếc và bộ linh kiện bắt đầu từ đầu năm 2018.
Tại lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, về thương mại, Liên bang Nga là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam với kim ngạch xuất nhập khẩu trong 11 đầu năm 2017 đạt trên 3,2 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ. Kết quả này còn rất khiêm tốn so với mục tiêu 10 tỷ USD năm 2020 mà lãnh đạo hai nước đã đề ra.
Vì vậy, để đạt được mục tiêu 10 tỷ USD và khai thác hiệu quả tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Liên bang Nga, việc triển khai thành công các dự án như sản xuất các phương tiện vận tải có động cơ của Liên bang Nga tại Việt Nam là hết sức cần thiết, phù hợp với mong muốn của lãnh đạo và nhân dân hai nước.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong việc triển khai hợp tác của thoả thuận của Nghị định thư. Theo đó, Bộ trưởng đề các doanh nghiệp ô tô Liên Bang Nga hãy chủ động nghiên cứu các quy định, đặc biệt là quy trình cấp phép nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan và nhập khẩu theo hạn ngạch trong Quyết định số 08/2017/QĐ-TTgCP của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định số 116/2017/NĐ-CP quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô và các văn bản có liên quan khác.
Đồng thời, nghiên cứu kỹ thị trường của khu vực, lựa chọn và thiết kế các model xe phù hợp với nhu cầu của thị trường Việt Nam và khu vực. Mục tiêu là các liên doanh Việt - Nga này sẽ thành công góp phần phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, đồng thời sẽ tận dụng các cơ hội để mở rộng hoạt động sang các thị trường ASEAN với dân số khoảng 640 triệu người.