Bởi phong cách mua, bán, sử dụng xe hơi của người Việt khiến các hãng xe có khoảng cách lớn về doanh số mà nguyên nhân không đến từ chất lượng.
Dạo qua các diễn đàn về xe cộ, hay như phần câu hỏi tư vấn ở mục Xe của VnExpress, tôi không khỏi ngạc nhiên vì những kết quả bỏ phiếu cho những câu hỏi dạng "nên mua xe nào giữa những xe trên?". Tôi ngạc nhiên, vì hình như nó không đúng với thực tế.
Lấy ví dụ, câu hỏi về lựa chọn giữa những Camry, Mazda6 và Sonata, câu trả lời thường nghiêng hẳn về Mazda6 với số lượng bỏ phiếu quá bán. Lại nữa, "nếu để chọn Altis, Civic, K3, Mazda3 em nên chọn gì ạ?". "Em ơi K3 nhé", "Bạn ơi cứ Mazda3 mà "quất" nhé". Nhưng thực tế, Altis mới là mẫu xe bán chạy nhất, mãi xa sau đó là Kia K3 xếp thứ 2, còn Civic và Mazda3 tuyệt nhiên thấp hơn nhiều để so sánh.
|
Người Việt chưa mua xe hơi đã nghĩ bán lại.
|
Thế điều gì khiến quyết định mua xe thực tế và so sánh lý thuyết lại khác xa nhau đến thế? Vì phần lớn người Việt mua xe, chỉ quan tâm giá trị bán lại cao hay thấp.
Ai cũng biết, với tầm tuổi 30, về kiểu dáng K3 "ăn đứt" Altis thế hệ cũ, máy móc và tùy chọn thì Mazda3 vượt trội hơn hẳn. Nhưng sau 4 năm sử dụng, Altis mới là mẫu xe bán lại đỡ mất giá nhất. Nếu không phải là Vios, thì mẫu xe nào có thể phủ rộng các hãng taxi hơn thế? Một tài xế mua lại Vios giá 250 triệu để chạy taxi, khoảng một năm sau bán lại không lỗ một đồng!
Giá trị khấu hao thấp đến từ chính niềm tin thương hiệu mà khách hàng Việt xây dựng lâu nay, mặc cho cảm nhận thực tế về xe có thể sai khác. Thị trường châu Âu, Mỹ đã chạy xe từ gần 100 năm về trước, họ có lớp khách hàng này đến lớp khách hàng khác, đánh giá chất lượng xe trải qua thời gian dài, ở đó giá trị thực của xe chiến thắng sức mạnh thương hiệu.
Còn tại Việt Nam, xe hơi mới chỉ phổ biến hơn chục năm, vẫn còn là mặt hàng "cần hạn chế". Những chiếc xe Nhật xuất hiện sớm, ăn sâu vào tiềm thức người sử dụng xe về độ bền, nhờ đó khi bán lại vẫn giữ giá. Năm này qua năm khác, hiệu ứng truyền tai nhau khiến sức mạnh thương hiệu càng cao lên, chỉ có xe Nhật, chỉ có Toyota mới bán lại có giá. Nếu ở châu Âu, Ford Mondeo không thèm coi Camry là đối thủ, trong khi ở Việt Nam mẫu xe Mỹ lại ảm đạm.
Người Việt với mức thu nhập bình quân thấp cộng giá xe cao khiến ôtô được coi là một tài sản, thậm chí là cả gia tài. Thực tế, xe hơi cùng với nhà, tiền gửi tiết kiệm xuất hiện ngay trong điều kiện làm visa đi nước ngoài. Đã là tài sản, thì không ai muốn tài sản của mình ngày càng mất giá.
Dựa vào tâm lý này, các hãng xe Nhật, đặc biệt là Toyota vẫn tự tin đặt giá cao hơn các đối thủ. Altis 2014 mới ra mắt đắt hơn bất cứ đối thủ nào, thậm chí bản cao cấp nhất 2.0 tiệm cận tới phân khúc của Camry. Đắt mấy thì đắt, Altis vẫn sẽ bán chạy như tôm!
Giá trị bán lại của xe không phụ thuộc vào sức mạnh truyền miệng, mà nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ thương hiệu, tình trạng nội ngoại thất, màu sơn, option, điều kiện máy móc cho đến quãng đường đã chạy.
Nếu quan tâm tới đầy đủ các yếu tố này, người ta sẽ không cố gắng với thật cao tới những xe đắt nhất phân khúc, mà trong lòng biết thừa, "nó chẳng có gì hơn những xe khác".
Nếu không quan tâm tới giá trị bán lại, bạn sẽ thoải mái lựa chọn, giá xe do đó không thể áp đặt. Lớp khách hàng mới muốn mua xe cũ lần đầu cũng có điều kiện tiếp cận dễ dàng hơn, từ đó nhiều người sẽ có cơ hội sở hữu xe hơn bây giờ.
Hãy là con người của kinh tế thị trường, quan tâm tới giá trị cốt lõi mà hàng hóa mang lại hơn là cái thương hiệu mơ hồ, có thế người Việt mới ngày càng có nhiều ôtô.
Minh Khang
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của độc giả