Lốp runflat là công nghệ mới nhất hỗ trợ an toàn khi chẳng may bị thủng lốp, xì hơi nhưng không phải toàn ưu điểm.
Hải Anh, một khách hàng sử dụng Mercedes GLC lắp lốp runflat cho biết anh từng "khóc dở mếu dở" vì bị đá chém ngang lốp. Không phải một chiếc đinh nhỏ hay đá chọc vuông góc mà đá lớn đâm xiên rách toang thành lốp, runflat trở nên vô nghĩa.
Xe lắp lốp runflat nên không có lốp dự phòng, mà công nghệ runflat lúc này không thể phát huy tác dụng, một mình tài xế với xe đành nằm lại giữa nơi hẻo lánh, chờ cứu hộ đến cẩu xe về gara.
Trường hợp như Hải Anh không phải là số ít những người gặp trục trặc với lốp runflat, loại công nghệ "thần thánh" rất được ưa chuộng ở những nước phát triển, nhưng lại nảy sinh không ít vấn đề oái oăm tại Việt Nam.
Về cơ bản, lốp runflat có lớp chịu lực phía trong vỏ lốp, giúp chịu được áp lực từ xe và tiếp tục di chuyển khoảng 80 km sau khi bị thủng, rách dẫn tới xì hơi. Runflat là công nghệ mà nếu áp dụng ở những nước có hệ thống đường sá phát triển như châu Âu, Mỹ thì rất lý tưởng.
Nếu những vết thủng này chỉ đơn giản như đâm vào đinh nhỏ, đá nhọn loại nhỏ hay vướng mảnh kim loại khiến rách mặt lốp thì runflat hoàn toàn giải quyết mọi việc. Nhưng khi vết rách to hơn thì dường như tác dụng là không nhiều.
Lý thuyết sau khi bị đâm thủng, xe có thể chạy tiếp 80 km ở tốc độ tối đa 80 km/h tìm chỗ sửa. Thực tế, nếu xe chở đầy tải, quãng đường mà lốp chịu được chỉ là 30 km. Chưa kể, ở những nơi kẻo lánh như vùng Tây Bắc, phải chạy cả 50 km chưa tìm được một chỗ sửa xe là chuyện bình thường.
Chạy lốp runflat đồng nghĩa xe không có lốp dự phòng, giảm trọng lượng và tiết kiệm không gian, nhưng cũng tăng cảm giác lo âu, nhất là với những người mê phượt. Trên một diễn đàn chuyên về Mercedes GLC, nhiều tài xế cho biết, để yên tâm họ thường trang bị thêm lốp dự phòng (không cung cấp theo xe, phải mua riêng ở ngoài) vì nếu lốp bị đá chém ngang, runflat cũng không còn nhiều ý nghĩa. Nếu cố chạy, chủ xe phải chấp nhận "hy sinh" cả bộ vành.