Do lượng khách hàng cao hơn so với công suất lắp ráp nhà máy hoặc lượng xe nhập quá ít, một số mẫu xe phải chờ tới năm sau mới có hàng.
Thị trường ôtô chuẩn bị bước vào mùa mua sắm cuối năm, cũng là lúc chuyển giao giữa các thế hệ của mỗi mẫu xe. Nhu cầu dồn dập với xe mới hoặc khan hiếm nguồn cung khiến khách hàng có thể phải đợi tới nửa năm nếu muốn mua xe.
1. Mercedes GLC
Ra mắt từ cuối tháng 4/2016, GLC được đánh giá là ưu thế hơn đàn anh GLK bởi thiết kế mới hợp mắt cả khách hàng nam và nữ cùng những nâng cấp về trang bị, tiện nghi và khả năng cách âm, vận hành. Con số 650 đơn hàng trước ngày ra mắt được Mercedes Việt Nam diễn tả là bất ngờ.
GLC chung nền tảng với C-class nên để đáp ứng nhu cầu của khách, hãng xe Đức tạm hạn chế sản xuất mẫu sedan và tăng ca, dồn lực cho chiếc crossover. Tuy vậy, năng suất giới hạn của nhà máy tại TP HCM vẫn không đủ để đáp ứng ngay lập tức cho khách. Đại diện của Mercedes cũng như các đại lý cho biết, nếu khách đặt hàng vào thời điểm này, sẽ phải chờ khoảng 6 tháng, tức tới tháng 4/2017 mới giao xe.
GLC có hai bản tại Việt Nam là GLC250 4Matic và GLC300 4Matic, cả hai đều lắp động cơ 2 lít I4 nhưng sức mạnh khác nhau. Mức giá lần lượt là 1,79 tỷ và 2,04 tỷ.
2. Ford Everest
Ford nhập khẩu Everest từ Thái Lan về bán tại Việt Nam với mức giá cho bản Trend 2.2 là 1,25 tỷ, bản Titanium 2.2 là 1,33 tỷ và Titanium 3.2 lên tới 1,936 tỷ. Những mức giá này cao hơn nhiều đối thủ Fortuner nhưng hàm lượng công nghệ an toàn và tiện nghi cao hơn hẳn.
Hãng xe Mỹ cho biết hãng có phản ứng tốt từ khách hàng về chiếc SUV cỡ trung, tất nhiên về số lượng tuyệt đối không thể so sánh vì mức giá vượt quá tầm của nhiều đối tượng khách hàng. Bên cạnh đó, nguồn cung từ Thái Lan cũng không có sẵn cho Ford Việt Nam.
Khách hàng đặt Everest vào thời điểm này sẽ phải chờ tới 2017, nhanh cũng phải cuối 2016. Từ đầu 2017, Ford sẽ chỉ còn phân phối hai phiên bản của Everest là Trend 2.2 và Titanium 2.2, ngừng nhập Titanium 3.2 vì phiên bản này đang bán rất chạy tại Thái Lan, bên cạnh đó doanh số tại Việt Nam cũng không đảm bảo.
Trong tầm giá 2 tỷ, Ford Việt Nam sẽ cung cấp cho khách hàng lựa chọn mới là chiếc Explorer nhập khẩu từ Mỹ, giá 2,18 tỷ.
3. Toyota Innova
Tương tự như trường hợp của C-class phải nhường dây chuyền cho GLC, chiếc MPV Innova cũng nhường một phần công suất nhà máy cho chiếc SUV cùng nền tảng là Fortuner. Mẫu SUV thế hệ mới sắp bán nên những lô sản xuất cuối cùng của Fortuner hiện tại được săn đón nhiều hơn do tâm lý xe mới đắt hơn xe cũ đồng thời nhiều người thích thiết kế đơn giản của xe cũ hơn.
Vì giảm công suất nhà máy nên thời gian khách phải chờ đợi cho Innova mới tăng lên. Tuỳ từng đại lý, có nơi khoảng hơn một tháng là có hàng nhưng cũng có nơi khác thời gian chờ lên tới 2-3 tháng, tức phải đầu 2017 mới nhận xe nếu khách đặt xe từ bây giờ.
Innova mới có 3 phiên bản là E, G và V đều lắp động cơ 2 lít 4 xi-lanh. Bản E số sàn có giá 793 triệu, bản G số tự động giá 859 triệu và bản V cao cấp nhất giá 995 triệu.
4. Rolls-Royce Phantom
Phantom là một trường hợp đặc biệt tại thị trường Việt Nam. Mẫu sedan siêu sang Anh quốc không khan hàng, không phải nhường nhà máy cho xe khác nhưng lại đặc biệt theo cách riêng.
Thế hệ xe Phantom chính hãng về Việt Nam trong vài năm qua đã chính thức đóng dây chuyền sản xuất từ tháng 4/2016 để nhường chỗ chuẩn bị cho thế hệ mới. Khách hàng muốn mua Phantom mới phải đợi tới giữa 2018 mới có xe để mua.
Thực tế 100% khách hàng của Rolls-Royce chính hãng tại Việt Nam đều lựa chọn bản bespoke. Thời gian để hoàn thành một chiếc Phantom tiêu chuẩn là 4 tháng, thêm thời gian bespoke có thể 1-2 tháng nữa cùng thời gian vận chuyển, khách có thể phải chờ tới gần cả năm để nhận được chiếc xe như ý muốn.
Giá Rolls-Royce ở Việt Nam rẻ cũng khoảng 20 tỷ tới cao nhất lên tới 84 tỷ và không có giới hạn về mức giá, vì mọi giới hạn đều nằm ở trí tưởng tượng của khách hàng.
Đức Huy
Theo: www.vnexpress.net