Wraith không phải là phiên bản coupe của Ghost mà dành cho những khách hàng mới đi cùng đam mê mới.
Sau một thập kỷ biến Phantom thành biểu tượng mơ ước của các đại gia, Rolls-Royce bước sang thời kỳ mở rộng danh sách khách hàng. Nếu ai đó không muốn ngồi sau Phantom, Ghost hay thậm chí là Phantom coupe sẽ phải mua chiếc Rolls-Royce nào? Cảm giác lái Rolls-Royce có thực sự hấp dẫn như những gì dành cho hành khách? Đó là những câu hỏi để Wraith ra đời.
Wraith dựa trên khung sườn của Ghost với những nét tương đồng ở vài điểm nhấn như lưới tản nhiệt, đèn pha. Tuy nhiên toàn bộ thân mang tính khí động học hơn, với những đường kẻ vuốt nghiêng ra sau. Mui xử lý rất khéo léo và có thể gọi dưới thuật ngữ "coupe kiểu Rolls-Royce". Đi theo phong cách thể thao nhưng ở bất cứ góc nhìn nào, Wraith vẫn là chiếc Rolls-Royce đúng nghĩa: lịch duyệt và đẳng cấp.
Thu gọn để phù hợp kết cấu của coupe, tuy vậy Wraith vẫn có ca-bin thoải mái cho 4 người. Mui xe hạ thấp tưởng chừng làm chạm đầu hành khách sau nhưng nhờ vị trí ghế được tính toán rất kỹ nên vẫn còn khoảng không thoải mái. Nội thất gần như tương đồng với Ghost với những chất liệu da thật, gỗ quý truyền thống Rolls-Royce. Các nút điều chỉnh được giấu hết dưới những lớp da và gỗ. Toàn bộ hệ thống điều khiển thông qua iDrive của hạng mẹ BMW, thậm chí cả chức năng thò-thụt của biểu tượng Spirit of Ecstasy.
Một chế độ thông minh của điều hòa Rolls-Royce là tự động điều chỉnh cửa gió theo độ mở của núm xoay mạ crôm. Ở chế độ mở bé nhất, chỉ hai cửa gió hoạt động. Khi nâng tới giữa, 3 cửa gió thổi và khi lên nấc cao nhất lại giảm còn hai. Cách bố trí này giúp gió thổi đều và tiết kiệm nhiên liệu. Giống như hầu hết các xe Rolls-Royce khác, Wraith trang bị hệ thống điều hòa độc lập 4 vùng.
Không gian mà Wraith tạo nên xen giữa tính sang trọng với tinh thần thể thao. Ghế ôm sát, hơi cứng chứ không mềm. Cửa mở kiểu ngược rất dễ ra vào nhưng lại khó cho người ngồi sau. Gia thuộc, cộng với gỗ quý làm những khách hàng bình dân có thể "ngửi" thấy mùi quý tộc. Một bầu trời sao với hơn 1.300 điểm sáng mang lại cảm giác thư thái và khác biệt.
Những ai chưa từng cảm nhận sức mạnh của một chiếc Rolls-Royce, tốt nhất nên cầm lái Wraith bởi chiếc coupe này có công suất 624 mã lực tại vòng tua máy 5.600 vòng/phút, mô-men xoắn cực đại 800 Nm ở 1.500-5.500 vòng/phút, những con số cao nhất trong các dòng mà Rolls-Royce đang sản xuất. Wraith cũng thừa hưởng những công nghệ cao nhất từ hãng mẹ BMW như hệ thống treo khí nén với các phép toán trong 2,5 phần nghìn giây.
Hộp số tự động ZF 8 cấp tích hợp bộ trợ giúp định vị vệ tinh SAT (Satellite Aided Transmission), sử dụng tín hiệu GPS và hệ thống điều hướng thu thập thông tin về đoạn đường phía trước. Với từng điều kiện đường khác nhau mà SAT có được, hộp số sẽ tự chọn chế độ cho phù hợp với phong cách của người lái.
Triết lý của Rolls-Royce xoay quanh người lái nên không có những chế độ chọn "Sport" hay "Normal" như các xe sản xuất hàng loạt. Mọi phản ứng của xe phụ thuộc vào thái độ người lái. Trên đường phố Singapore, nơi Rolls-Royce tổ chức lái thử xe dành cho các nhà báo, Wraith êm ái, dịu dàng và lịch duyệt như Ghost. Nếu không vì vị trí lái thấp hơn và ngả về sau, rất dễ lầm. Chiếc xe trên 600 mã lực di chuyển, vượt hay phanh ổn định gần như hoàn hảo. Không một cú lắc.
Nếu cứ giữ đều chân ga, Wraith đã không tồn tại. Tới một nơi phi công cộng, đạp lút ga, chiếc coupe siêu sang khựng lại trong tích tắc, kiểu trễ của hầu hết các dòng xe sang có liên quan tới Đức. Sau cú ra lệnh bằng chân, Wraith lừ lừ tăng tốc, chẳng khác gì máy bay dân dụng. Toàn thân xe thẳng băng, không hề có những cú giật ngược như siêu xe, nhưng cảm giác lâng lâng ở lưng ghế thì rõ mồn một. Rolls-Royce công bố thời gian lên 100 km/h chỉ trong 4,6 giây, không kém một chiếc coupe nào.
Kim đồng hồ tăng lên 100, rồi 150 và gần chạm ngưỡng 200. Tiếng pô trầm đục thúc giục người lái đạp tiếp. Ngoài tiếng pô, âm thanh chủ yếu lọt vào ca-bin là lốp ma sát với mặt đường kêu rần rật, rần rật, đủ để người lái cảm nhận trạng thái xung quanh. Vô-lăng chủ động chặt dần theo tốc độ và hộp số làm việc tuyệt vời bởi không thể nhận ra trạng thái chuyển cấp.
Trên cần số của Wraith có nút bấm "Low", chế độ giảm một cấp nhằm tăng khả năng vượt và tạo cảm giác bốc. Khi khởi động, người lái có thể chọn "Low" để xe bắt đầu từ số 1 thay vì số 2 nhằm tăng độ bốc. Nhưng dường như Wraith không khuyến khích nên ở vị trí hơi khó nhìn cũng như thao tác.
Người lần đầu lái Wraith có thể tìm cả ngày không thấy chế độ bán tự động (+, -). Bởi thực ra chiếc coupe siêu sang này...không có. Việc lên dốc, xuống dốc hay ở cung đường nhiều khúc cua, hộp số ZF và hệ thống SAT sẽ làm việc để chọn số phù hợp. Việc của tài xế chỉ là lái và lái.
Với tất cả tinh hoa của công nghiệp xe hơi, dĩ nhiên Wraith có cái giá chỉ dành cho các đại gia. Ở châu Âu, khách bỏ ra khoảng 319.000 USD. Còn người hâm mộ Việt Nam chi ra gấp 3 lần, khoảng trên 1 triệu USD cho đam mê. Một chiếc Wraith đã được đặt hàng và sớm có mặt tại Việt Nam trong thời gian tới.
Trọng Nghiệp