Rất nhiều tài xế có bằng lái nhiều năm, nhưng lại không hề nắm vững kiến thức về luật giao thông đường bộ.
Đọc bài “Tám tính xấu của tài xế ôtô Việt”, tôi thấy không đồng tình ở nhiều điểm. Tác giả bài này có cái nhìn phiến diện và chưa nắm vững luật giao thông đường bộ. Thử cùng phân tích nhé.
1. Trên đường cao tốc có yêu cầu về khoảng cách tối thiểu nhưng không có quy định nào phạt khi không giữ khoảng cách tối thiểu bạn nhé, khi lưu lượng xe cộ tăng lên thì bắt buộc tốc độ phải chậm lại và khoảng cách tối thiểu cũng bị thu hẹp lại đó là điều đương nhiên, ở những quốc gia khác tôi từng đi qua cũng thế.
Xe đi ở làn ngoài cùng đang đi đúng tốc độ tối đa cho phép thì xe phía sau cứ liên tục xi-nhan, bóp còi, nháy pha để đòi vượt trong luật cũng có quy định rồi, nếu có đủ điều kiện để cho vượt thì xe đi trước phải chuyển làn để xe sau vượt (khoản 3 điều 14 Luật Giao thông đường bộ).
2. Bạn nói ôtô thường chen vào làn của xe máy đẩy xe máy phải đi lên vỉa hè tôi thấy cũng có, nhưng hình như toàn xe ưu tiên như xe buýt, xe biển đỏ, xe biển xanh và taxi, rất hiếm trường hợp xe cá nhân làm vậy vì họ không muốn gặp rắc rối với CSGT dù phía trước có hay không có CSGT đang đứng.
3. Bạn nói người điều khiển xe hơi thích thể hiện tính oai và thích ganh đua chứng tỏ bạn chưa từng cầm lái bao giờ rồi, thực ra tài xế khi đã lái xe ra đường phải học được chữ “nhẫn” vì chỉ thoáng không “nhẫn” sẽ có tai nạn xảy ra và tai nạn xe hơi rất gần với tử vong, điều mà chả ai muốn.
4. Tôi không hề thấy có sự liên hệ nào giữa thu nhập và giao thông, các bạn điều khiển xe gắn máy đừng lấn vào làn xe hơi, đừng thử thách tính mạng mình với tử thần, thì tôi nghĩ các bác tài xe hơi sẽ chẳng bao giờ bóp còi đâu ạ. Chuyện coi thường người đi xe máy không phải vì thu nhập họ cao hay thấp hơn mà vì sự hiểu biết khi tham gia giao thông của họ. Thiếu gì người thu nhập rất cao lại đang lưu thông bằng xe máy hả bạn?
5. Tôi chẳng bảo vệ gì cho những người thích ganh đua, trả đũa những người “cố tình hoặc vô tình cắt mặt, tạt đầu xe”. Ở Việt Nam các bác tài xe hơi đa phần “ngậm bồ hòn làm ngọt” đẩy cục tức xuống dưới, vì khi tai nạn xảy ra phần lỗi vẫn cứ thuộc về xe to hơn mặc dù họ đang lưu thông đúng luật.
Nhưng ở nước ngoài thì những xe “cố tình hoặc vô tình cắt mặt, tạt đầu xe” thì ngoài thương vong và/hoặc tử vong ra họ còn phải bồi thường những hư hại do đi sai luật giao thông gây ra. Luật là luật và không chừa một ai cả.
6. Phần này tôi thấy bạn thiếu hiểu biết trầm trọng về luật giao thông vì khi xe hơi dừng trước đèn đỏ hoặc tắc đường là họ đã dừng ở vạch dừng xe và sát phần đường lưu thông bên trái rồi, người đi xe gắn máy muốn băng ngang hay rẽ thì phải tuân theo luật giao thông cụ thể như sau:
Trên đường có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường, người điều khiển phương tiện phải cho xe đi trong một làn đường và chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép; khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước và phải bảo đảm an toàn. (khoản 1 điều 13).
Khi muốn chuyển hướng, người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ và có tín hiệu báo hướng rẽ. (khoản 1 điều 15).
Trong khi chuyển hướng, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải nhường quyền đi trước cho người đi bộ, người đi xe đạp đang đi trên phần đường dành riêng cho họ, nhường đường cho các xe đang đi thẳng hoặc ngược chiều và chỉ cho xe chuyển hướng khi quan sát thấy không gây trở ngại hoặc nguy hiểm cho người và phương tiện khác. (khoản 2 điều 15)
Trong khu dân cư, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng chỉ được quay đầu xe ở nơi đường giao nhau và nơi có biển báo cho phép quay đầu xe. (khoản 3 điều 15).
Khi tắc đường quy luật giao thông phải tuân theo một hướng (quy luật của dòng chảy) để tránh tình trạng ùn ứ, các bạn điều khiển xe máy cứ cố tình rẽ ngang cho tiện việc của mình càng làm cho tình trạng kẹt xe tăng lên. Bạn có thấy khi kẹt xe CSGT chỉ cho xe đi theo một chiều và cấm rẽ hay không?
Tôi thấy câu kết của bạn cũng hay xin được trích dẫn “Còn tắc đường thì là một phần tất yếu của các đô thị nhất là đô thị lớn. Có tháo gỡ được chỗ này, vấn đề này thì lại sẽ nảy sinh ở chỗ khác, vấn đề khác. Giao thông thuận lợi là điều ai cũng mong muốn, song văn hóa giao thông sẽ thể hiện rõ nét nhất mỗi khi tắc đường. Tôi và các bạn hãy cố gắng để trở thành người có văn hóa khi tham gia giao thông!” và cũng xin được bổ sung thêm cho hoàn chỉnh kết luận của bạn là nên nắm vững luật và tôn trọng luật giao thông đường bộ trước khi tham gia giao thông.
Chúc các bạn tham gia giao thông an toàn.
Khương Tuấn