Với đại đa số người dân Việt Nam thì ôtô có rẻ bằng xe máy cao cấp cũng phải dành dụm, ăn uống chắt bóp mới mua được.
Đứng ở khía cạnh một người dân lao động bình thường như tôi và bao người khác, với mức thu nhập từ 5 triệu đến 20 triệu thì có vấn đề nho nhỏ sau (không to tát, không vĩ mô về nền kinh tế, vì tôi cũng không hiểu):
Một là, nước người ta có khoảng 50 triệu dân nhưng hầu hết họ đều có tiền để mua xe. Nước mình có gần 100 triệu dân nhưng hầu hết không có tiền mua xe.
Hai là, người có tiền để mua xe (số này đếm được trong 100 triệu người) thì họ không thích loại xe giá rẻ và họ thích ít người mua xe thôi để đường thông, để họ hãnh diện hơn người khác.
Còn người dân lao động với mức thu nhập bình thường (số này chắc đếm không nổi) thì xe giá rẻ cũng không có tiền để mua. Vậy xe bán không được nhiều thì ai muốn đầu tư? Nhìn sản lượng tiêu thụ xe của các nước so sánh với sản lượng tiêu thụ của Việt Nam thấy rõ sự chênh lệch quá lớn.
Theo tôi, đến khi nào Việt Nam kéo được khoảng cách thu nhập và giá xe rẻ dần đến giới hạn như các nước khác thì khi đó nền công nghiệp ôtô tự nhiên cũng thu hút doanh nghiệp và phát triển. Điều đó rất tự nhiên, nó đến mà không cần trăn trở tìm lối đi. Lúc đó khi so sánh với các nước sẽ bớt khập khiễng hơn.
Ví như xe gắn máy, giá xe và thu nhập tương đối phù hợp với đại bộ phận người dân, nên nó phát triển đến chóng mặt. Sản lượng của các hãng xe gắn máy ngày càng tăng, phụ tùng, sản phẩm trang trí... được bày bán khắp nơi, đa dạng đủ chủng loại, tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người dân (công nhân sản xuất và người kinh doanh nhỏ lẻ).
Xung quanh nơi tôi ở có đến hàng trăm cửa hàng liên quan đến xe máy (sửa xe, rửa xe, bán phụ tùng, showroom bán xe, hộ bán xe cũ...), thì tính trong cả nước hộ sản xuất và kinh doanh liên quan đến xe máy nếu thống kê đầy đủ chắc không nhỏ.
Hữu xạ tự nhiên hương, lúc này không cần đề ra chiến lược nó vẫn cứ phát triển mạnh mẽ. Cách đây 30 năm, xe gắn máy là tài sản lớn, khiến người sở hữu rất hãnh diện. Lúc này chắc không ai coi nó là một phương tiện vì nó là cả một gia tài. Bây giờ thì ai cũng coi nó chỉ là một phương tiện di chuyển mà thôi. Vì sao vậy? Có phải vì giá xe đã dần phù hợp với tất cả người dân và nhà nào cũng có kể cả người nghèo?
Bây giờ đến lượt ôtô, mọi người cũng không thể coi nó là phương tiện như các nước được vì nó là cả một tài sản lớn đối với đại bộ phận người dân. Như đối với tôi có mức thu nhập 15 triệu, chi phí cho gia đình (ăn uống, lễ nghĩa, xăng xe, điện nước, bệnh tật hay tai nạn...) và hai con đi học thì gần như không để dành được đồng nào. Thế thì tôi nhìn chiếc xe hơi như một vị thần mà chắc đến hết đời này cũng không bao giờ có cơ hội tiếp cận.
"Xe giá rẻ" là từ khoá có lượng tìm kiếm "khủng" trên mạng, nhưng mọi người có đặt ra câu hỏi rằng "Xe giá rẻ là rẻ tới cỡ nào? hay rẻ bao nhiêu thì mình mua được?". Đối với tôi, với thu nhập hiện tại, thì ôtô có rẻ bằng một chiếc xe gắn máy thì tôi cũng phải ráng dành dụm ăn uống, chắt bóp may ra năm ba năm nữa mới mua được. Có rẻ hơn 30-50 triệu hay 100-200 triệu thì đến hết đời tôi cũng không mua nổi với mức thu nhập như hiện giờ.
Vì vậy, điều tôi thấy đó là cho đến bao giờ khoảng cách giữa giá xe và thu nhập tiệm cận với các nước thì lúc đó mới có thể so sánh nền công nghiệp ôtô trong nước với nước ngoài. Khi mà người nghèo cũng có ôtô (cũ) để đi như các nước, thì mới có thể coi ôtô cũng chỉ là phương tiện di chuyển giống như xe máy bây giờ.
Và dĩ nhiên ngành công nghiệp ôtô sẽ phát triển vượt bậc như xe gắn máy lúc ấy cũng không cần có chiến lược gì thì nó cũng cứ phát triển. Theo các bạn thì trong bao lâu: 5 năm, 10 năm hay nhiều hơn nữa?
Hy vọng ngày đó không xa, để tất cả mọi người có thể đi về an toàn. Tôi đọc nhiều bài báo liên quan đến ôtô và thấy mọi người đều nói những điều vĩ mô với những nguyên nhân này nọ và đặc biệt hay so sánh với nước ngoài khi nói về vấn đề này làm tôi cũng thấy hoang mang không biết mình nghĩ vậy có đúng không.
Độc giả: Nguyễn Chiến Thắng
Theo: www.vnexpress.net