Tay bút Chrys Bader của Tech Crunch, người trước đây từng có thời gian làm việc tại Google đã có những nhận định về sự phát triển của Apple. Theo ông, công ty có trụ sở tại Cupertino (Mỹ) đang dần đánh mất vị thế của mình và có thể "ngày tàn" của họ đang đến gần.
"Apple đang bị tổn thương, từ nhẹ đến bắt đầu nghiêm trọng kể từ khi Steve Jobs qua đời. Công ty vẫn phát triển, vẫn cho ra sản phẩm, vẫn đông khách, vẫn 'hút máu' người dùng bằng nhiều cách. Nhưng, sản phẩm mới mà họ cho ra trong những năm qua dưới thời Tim Cook rất ít, chỉ là một chiếc đồng hồ thông minh mang tên Watch.
Chỉ tính riêng năm 2016, điện thoại Android đã vượt iPhone mọi mặt, từ màn hình có độ phân giải cao hơn, camera tốt hơn, các tính năng điện toán đám mây, chống nước tốt hơn, đến hỗ trợ các nội dung thực tế ảo (VR) và tương tác thực tế (AR).
Bây giờ, Apple chạy theo những thứ đó. Ý kiến này có thể làm nhiều tín đồ iPhone phật lòng, nhưng đó là sự thật. Apple loại bỏ giắc cắm tai nghe trên iPhone, nhưng đó không phải là sản phẩm đầu tiên làm điều này và nó cũng không phải cái gì đó quá lớn lao. TouchBar, HomeKit và HealthKit chỉ là sản phẩm đánh bóng tên tuổi và nó chưa cho thấy có tác dụng lớn đối với người dùng. Siri cũng lép vế so với Google Home hay Amazon Alexa…
Tín đồ của Apple có thể phản pháo rằng, Apple hiện tại dù không là 'đầu tiên', nhưng những thứ họ học hỏi sẽ được biến thành 'tốt nhất'. Hãy nhìn qua những chiếc iPhone sau iPhone 5s xem điều đó đúng bao nhiêu phần trăm. Hoặc giả sử như Apple phát triển AR, VR cho iPhone, liệu hãng sẽ bắt đầu bằng thứ gì để tạo sự khác biệt, hay cũng chỉ 'học hỏi' đối thủ và tối ưu những cái nhỏ nhặt?
Nhìn qua Microsoft, dưới sự lãnh đạo của Satya Nadella, họ đã liên tiếp tung ra những sản phẩm tạo điểm nhấn, như kính thực tế ảo HoloLens, Surface Studio… và tôi đoán, có thể họ sẽ có bước đi táo bạo nữa trong tương lai với điện thoại di động.
Cũng có một số người cho rằng, Apple đang chuyển dịch sang phần mềm. Theo tôi, những gì họ đang làm thậm chí còn tồi tệ hơn, đặc biệt là tính ổn định, hiệu năng sử dụng đã giảm hẳn so với trước đây. iMessage mới và những phiên bản mới nhất của iOS luôn gặp trục trặc, iCloud nổi tiếng là tệ… Hơn nữa, Apple vốn có văn hóa phát triển phần mềm không được hợp lý khi các đội phát triển hoạt động độc lập, không học hỏi lẫn nhau và điều này vô tình khiến những sản phẩm họ làm ra không nhận được tinh hoa từ mỗi nhóm.
iOS và App Store là 2 nhân tố giữ người dùng iPhone, iPad… từ đó đến nay, nhưng thị phần của nó cũng đã giảm đều. Riêng tại Mỹ, thị phần iOS đã giảm 16% kể từ 2012, trong khi Play Store vẫn đang cao gấp 4 lần App Store.
App Store có nhiều ứng dụng hay, hữu ích và người dùng iOS sẵn sàng trả tiền nhiều hơn so với người dùng Android để mua ứng dụng. Nhưng đó chỉ là chuyện của quá khứ, khi mà cửa hàng Google còn nghèo nàn ứng dụng. Hiện tại, số lượng ứng dụng trên Play Store đa dạng hơn, hữu ích hơn, được kiểm soát nội dung, và hơn hết là giá ngày càng rẻ. Cùng một chức năng nhưng bên nào rẻ hơn, bên đó có người mua hơn, đó là điều không cần phải bàn cãi.
Nền tảng của Apple đã và đang được các nhà phát triển chú trọng hơn cả. Họ là những người luôn muốn mang những xu hướng công nghệ mới nhất lên các sản phẩm của mình và tải lên App Store. Nhưng nếu thị phần dần mất đi, đội ngũ các nhà phát triển chuyển qua nền tảng khác như Android hay thậm chí là Windows Phone, Apple sẽ gặp khó khăn nghiêm trọng. Theo tôi, App Store là 'thành trì' cuối cùng của Apple và họ phải giữ nó bằng mọi giá.
Tim Cook là một CEO tuyệt vời trong việc thúc đẩy lợi nhuận, giúp công ty làm ăn hiệu quả. Tuy nhiên, ông không phải là tuýp người của sự đổi mới, và nếu muốn sáng tạo, Apple bắt buộc phải kiếm những người như Nadella.
Tôi hi vọng Apple sẽ có những hướng đi mới nhằm thúc đẩy hơn nữa sự sáng tạo, nhưng không lạc quan về vấn đề này. Tôi từng nghĩ Apple sẽ tiếp tục có những sản phẩm xuất sắc sau khi Jobs qua đời, nhưng với những gì được chứng kiến thời gian qua, sự nghi ngờ của tôi ngày càng lớn. Apple đang bị cạnh tranh rất khốc liệt từ các đối thủ, và họ cần phải thay đổi nếu không muốn trở thành Nokia, BlackBerry phiên bản 2".
Bảo Lâm
Theo: www.vnexpress.net