Lần đầu tiên lên "ghế nóng" trên nghị trường, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhận được hàng loạt chất vấn liên quan đến sự cố môi trường biển do Formosa Hà Tĩnh gây ra.
Hơn 40 đại biểu đăng ký chất vấn người đứng đầu ngành tài nguyên và môi trường các vấn đề về sự cố môi trường biển miền Trung, ô nhiễm làng nghề, biến đổi khí hậu…
Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình Nguyễn Ngọc Phương đánh giá cao Chính phủ trong đó có Bộ Tài nguyên xử lý sự cố môi trường biển miền Trung do Formosa Hà Tĩnh gây ra, tuy nhiên ông cho biết cử tri băn khoăn "cơ sở nào đảm bảo Formosa không gây ô nhiễm trong tương lai?”.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, trước tiên các cơ quan chức năng dồn hết sức khắc phục sự cố, làm rõ nguyên nhân, chỉ rõ nguồn tiềm năng gây ô nhiễm và lập tổ giám sát liên tục (24/24h) các loại chất thải của Formosa, đơn cử là quan trắc nước thải bằng thiết bị tự động, truyền dữ liệu về cơ quan quản lý.
|
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương chất vấn Bộ trưởng Trần Hồng Hà chiều 15/11. Ảnh: Giang Huy.
|
Bộ Tài nguyên yêu cầu "xử lý tận gốc" các nguồn có khả năng gây ra ô nhiễm môi trường như nước thải, khí thải, chất thải rắn. Cuối đường ống xả thải có hồ trị thuỷ sinh học trên 10 ha, yêu cầu thả cá, trồng các loại thực vật mặn để đảm bảo an toàn tuyệt đối trước khi thải ra môi trường. Phía Formosa có hợp đồng ký với doanh nghiệp khác để xử lý chất thải nguy hại, mời cơ quan tư vấn môi trường có uy tín của Pháp, Mỹ để thay đổi công nghệ xử lý cốc trong 2 năm, giảm tối đa khả năng gây ô nhiễm môi trường.
“Formosa đã thống nhất và tích cực thực hiện để đảm bảo nhà máy hoạt động lâu dài, không xảy ra sự cố”, Bộ trưởng Hà nhấn mạnh.
|
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Formosa đã tích cực khắc phục sự cố môi trường do họ gây ra. Ảnh: Giang Huy.
|
Bên hành lang Quốc hội, đánh giá phần trả lời của người đứng đầu ngành tài nguyên và môi trường, ông Nguyễn Ngọc Phương cho hay phát biểu của Bộ trưởng Trần Hồng Hà về việc Formosa sẽ được kiểm soát để không tiếp tục gây ô nhiễm không phải cho "bản thân đại biểu", quan trọng là để "thổi niềm tin" vào người dân.
Cũng liên quan đến Formosa Hà Tĩnh, đại biểu Nguyễn Anh Trí chất vấn: "Sau sự cố, Bộ trưởng đã thị sát các tỉnh miền Trung và có lời xin lỗi nhân dân. Cử tri đánh giá cao lời xin lỗi đó, vậy tới đây cần làm gì nữa không?".
Đại biểu Tạ Văn Hạ đặt câu hỏi: "Sau hàng loạt sự cố môi trường, đến nay đã có tập thể, cá nhân nào được xem xét trách nhiệm trong thẩm quyền của Bộ hay vẫn chờ Thanh tra Chính phủ?".
Là đại biểu cuối cùng chất vấn trong phiên làm việc của Quốc hội, đại biểu Thái Trường Giang băn khoăn về cơ sở để Formosa bồi thường 500 triệu USD; nếu số tiền này không đủ thì có lấy ngân sách tiếp tục bồi thường cho ngư dân các tỉnh miền Trung hay không?
Sáng 16/11, Quốc hội bước sang ngày làm việc thứ hai của hoạt động chất vấn. Bộ trưởng Tài nguyên Trần Hồng Hà tiếp tục đăng đàn giải đáp những câu hỏi nêu trên của các đại biểu.