Nhắc đến xe Malaysia có lẽ người ta chỉ nhớ tới cái tên Proton chứ có lẽ chẳng ai biết đến Bufori, một “coachbuilder” (công ty chế tác) đang âm thầm chế tạo những mẫu xe siêu sang không kém cạnh Rolls-Royce, Bentley hay thậm chí cả xe chống đạn như Mercedes-Benz S600 Pullman Guard. Mẫu sedan siêu sang có tên Bufori Geneva.
Đầu tiên, hãy nói tới tên gọi. Trang chủ của Bufori cho biết mỗi chữ cái trong tên hãng đều có 1 ý nghĩa riêng: B – Beautiful (đẹp), U – Unique (độc đáo), F – Funtastic (vui thú và tuyệt vời), O – Original (nguyên bản), R – Romantic (lãng mạn) và I – Irresistible (không thể cưỡng lại). Nghe thì có vẻ khá hài hước nhưng nhìn chung, hãng vẫn có được một cái tên khá kêu, vậy nên hãy tạm bỏ qua vấn đề này.
Các sản phẩm của Bufori chủ yếu được xuất sang Trung Quốc và Trung Đông với tần suất khoảng 30 – 40 xe mỗi năm. Thực tế, công ty chế tác này đã thành lập từ năm 1986 nhưng không thực sự ở quy mô lớn như trên và "nguyên gốc" để họ copy vào giai đoạn đầu cũng khá phổ thông: Volkswagen Beetle. Sau đó, Bufori chuyển dần sang các dòng động cơ khác hợp thời hơn như boxer của Subaru hay bản V6 2.6L 172 mã lực nguyên gốc của Hyundai.
Trong những năm trở lại đây, niềm tự hào của Bufori là mẫu sedan siêu sang, siêu tốc độ (theo hãng tự nhận), công nghệ cao và sở hữu khả năng chống đạn có tên Geneva. Giá "cơ bản" cho 1 chiếc Geneva được Bufori công khai ở mức 330.000 USD – đắt hơn hầu hết đội hình tiêu chuẩn của Rolls-Royce hiện giờ. Vậy, điều gì có thể làm nên mức giá "điên rồ" của dòng xe được lắp ráp thủ công tại Malaysia này?
Cứ 5 năm một lần, Bufori lại tham dự các triển lãm lớn nhỏ trong khu vực, CEO kiêm nhà sáng lập Gerry Khouri chia sẻ. Ông cũng thừa nhận rằng hành động này chủ yếu chỉ để giải trí khi những đơn hàng vẫn đang đổ về họ đều đặn hàng năm.
Có lẽ trong khu vực Đông Nam Á nói riêng và cả châu Á nói chung cũng không có nhiều xưởng chế tác chấp nhận chế tạo một mẫu xe sử dụng khung thân làm bằng sợi carbon pha vải chống đạn Kevlar, khung gầm thép không rỉ và hệ thống điện tử tự chế tác theo yêu cầu của khách hàng như Bufori, qua đó lý giải sự tự tin của nhà sáng lập người Australia – Lebanon.
Khouri cho biết ông không cần thương hiệu của mình được biết tới nhiều hơn làm gì. Chỉ một bộ phận rất nhỏ giới chơi xe trong khu vực từng nghe về cái tên này, số khách hàng của hãng còn ít hơn nữa. Tuy nhiên, miễn là những người "cần" biết đến Bufori từng nghe tới tên hãng, thế là đủ. Bảng danh sách khách hàng của họ không thiếu những cái tên thuộc dạng "siêu VIP" ở Trung Đông hay Trung Quốc, tuy nhiên Bufori không dùng chúng đi quảng bá tên tuổi mà luôn tuyệt đối bảo mật theo yêu cầu của khách hàng.
Mỗi chiếc Geneva, theo vị CEO, đều được tùy biến "tận răng" theo mong muốn người dùng và Bufori chỉ bắt đầu đi vào chế tác sau khi họ và khách hàng hiểu rõ được nhau. Mức giá tham khảo 330.000 USD mà Bufori đề cập tới chỉ mang đúng nghĩa tham khảo bởi theo Khouri, chưa 1 khách hàng nào mua xe chỗ họ mà không tùy biến thêm và ngay cả hãng cũng không có được định nghĩa 1 chiếc Geneva "tiêu chuẩn" là như thế nào.
Để có được ngày hôm nay, Khouri đã phải trải qua những tháng ngày vô cùng gian khổ. Mọi chuyện khởi nguồn vào năm 1986 khi 3 anh em ông, lúc đó đang sinh sống tại Australia, quyết định tự chế tạo một chiếc xe để sử dụng riêng. Nguồn cảm hứng cho Khouri khi đó là những dòng xe tân cổ điển (Neoclassical) như Excalibur hay Clenet làm mưa làm gió tại Mỹ vào những năm thập niên 30.
Hệ thống truyền động được Khouri sử dụng khi đó tới từ Volkswagen Beetle nhưng gần như 100% còn lại do ông tự chế tạo để tránh bị gò bó trong khuôn khổ thiết kế đặt ra lúc đó. Sau quãng thời gian gian khổ, thành phẩm của Khouri được trình làng. Sau 1 thời gian sử dụng, Khouri rất ngạc nhiên vì không ít bạn bè lẫn người thân ông ngỏ ý mua lại chiếc xe đó.
Vậy là ý tưởng thành lập một xưởng chế tác xe lóe lên trên đầu Khouri – điều mà ông đi vào thực hiện ngay sau đó. Những cải tiến được chàng trai mang 2 dòng máu Úc – Á thực hiện dần dần, bắt đầu từ việc bỏ động cơ VW và thay bằng Subaru rồi kết thúc bằng lần "thay máu" mang tính cách mạng với Bufori về sau: đổi chất liệu khung thân từ sợi thủy tinh sang sợi carbon pha Kevlar. Khi được hỏi về việc làm sao mình biết và thu mua được Kevlar vào thời điểm đó, Khouri chỉ cười trừ và từ chối trả lời.
Sau đó, Khouri chuyển cả dây chuyền sản xuất và lắp ráp xe từ Australia sang Malaysia, vừa để tiết kiệm chi phí vừa để dễ tiếp cận các thị trường mới. Đội ngũ nhân viên của Bufori hiện giờ chủ yếu là người Malaysia và Khouri cũng không ngần ngại thừa nhận đây "là quê hương thứ 2" của mình.
Trong hơn 1 thập kỷ, mẫu xe chủ đạo của Bufori là La Joya (Viên ngọc) – một mẫu xe mui cứng 2 cửa mang phong cách tân cổ điển sử dụng combo đã nhắc tới ở trên: động cơ V6 2.7L, khung gầm thép không rỉ và khung thân sợi carbon pha Kevlar.
Ở tổng hành dinh của Bufori tại Kuala Lumpur vẫn còn 1 chiếc La Joya đã sản xuất từ hơn 10 năm trước. Bất chấp tuổi tác và việc đã gặp tai nạn 2 lần, cảm giác ngửi, nhìn, sờ và ngồi bên trong xe vẫn không thua kém một dòng xe sang thực thụ nào trên thị trường hiện giờ nhờ được bảo dưỡng và nâng cấp thường xuyên.
Táp lô mạ vàng 24-karat, ghế ngồi chỉnh điện, màn hình cảm ứng giải trí hiện đại, ghế da cao cấp, dàn loa thượng hạng, phanh Brembo, giảm xóc độ, la zăng BBS... không gì bạn yêu cầu mà không được Bufori đáp ứng, miễn là đủ hầu bao. Khouri cũng chia sẻ 1 điểm khá thú vị là có không ít khách hàng đặt mua "Viên ngọc" của họ là các nữ doanh nhân thành đạt, có lẽ vì dáng vẻ bán cổ điển nữ tính này chăng?
Chuyển hướng sang Geneva, hậu duệ của La Joya và "chủ lực" đẻ trứng vàng của Bufori hiện tại. Gần như mọi chi tiết trên xe đều được xưởng chế tác đặt tại Kuala Lumpur của họ tự sản xuất, ngay cả đèn và hệ thống điện tử cũng không ngoại lệ.
Thêm vào đó, thân xe Geneva là một thể hoàn toàn thống nhất. Trừ ca pô, cửa và cốp, bạn không thể tìm thấy một mối nối nào khác trên thân xe. Đây vừa là ưu điểm vừa có thể coi là yếu điểm của chiếc xe siêu sang Malaysia bởi chỉ cần một lần gặp tai nạn, khung thân sẽ rất khó để sửa chữa chưa kể chi phí cũng không hề rẻ. Dù vậy, Khouri quả quyết rằng đây là hướng đi bắt buộc cho Geneva bởi nó giúp giảm trọng lượng xe xuống không quá 2 tấn để, kết hợp với động cơ V8 6.4L Hemi SRT, mang lại cảm giác lái thích thú khó bì (và cũng khó ngờ) của dòng xe tưởng chừng chậm chạp này.
Nhắc thêm một chút về động cơ xe, ban đầu Khouri định "mượn" công nghệ của người Đức nhưng một lần tình cờ được tiếp cận các dòng xe cơ bắp của Dodge đã khiến vị lãnh đạo thay đổi ý định. Giờ, nền tảng động cơ trên Geneva vẫn lấy từ FCA nhưng đã được hãng tinh chỉnh thành nhiều cấu hình khác nhau: thường có, siêu nạp có, tăng áp cũng có.
"Bạn chỉ có thể thực sự hiểu Geneva khi cầm lái nó", ông Khouri nhận định, "và nhấn chân ga hết cỡ". Đây là 1 điểm không thực sự quan trọng với các khách hàng của Bufori bởi gần như chẳng ai trong số họ mua xe về để tự lái, tuy nhiên những khi muốn đổi gió và cầm lái đôi chút, Geneva sẽ không làm họ thất vọng. Động cơ V8 kết hợp với hộp số tự động 8 cấp mới nhất hoặc 5 cấp cũ giống trên Mercedes-Benz CL63 đều mang lại cảm giác mượt như nhau.
Đồng hồ trước mặt tôi điểm 170, 180, 190, 200 rồi 210 km/h nhưng tay lái không hề có cảm giác rung lắc. Cuộc đàm thoại của Khouri và vị khách nữ phía sau vẫn được tôi theo sát đầy đủ không sót một từ. Nhả chân ga xuống đôi chút (đồng hồ vẫn điểm 170 km/h), tôi vào cua. Chiếc xe Malaysia ngay lập tức phản ứng với thay đổi vô lăng và rẽ sang trái với một sự chính xác, điềm tĩnh và vững chãi tới đáng kinh ngạc. Có lẽ nhận ra sự thất thần trong vẻ mặt tôi lúc đó, Khouri cười nói "đó là tôi còn chưa tìm thấy 1 loại lốp nào thực sự thích hợp cho Geneva theo gu của mình, khách hàng sẽ phải tự chọn theo gu của họ".
Lau đi chút mồ hôi trên trán, tôi lái xe lại chậm dần để tận hưởng khung cảnh xung quanh. Mọi chuyện cứ thế diễn ra trong 10 phút trước khi tôi nhận ra rằng mình vẫn đang chạy ở tốc độ trên 150 km/h! Geneva quả thật êm và mượt tới mức đáng kinh ngạc nếu không muốn nói là thần kỳ.
Phải tới khi dừng xe lại, tôi mới đủ bình tĩnh để quan sát tổng thể nội thất Geneva. Độ sang của xe cũng giống như La Joya – không thua kém bất cứ cái tên nào trên thị trường mà bạn có thể nhắc tới. Thậm chí chiếc sedan còn có cả trần xe dạng bầu trời sao y hệt Rolls-Royce nhưng tân tiến hơn khi khách hàng có thể chọn và chỉnh màu tùy thích bất cứ lúc nào, hoặc thậm chí làm chúng nhấp nháy hay tạo hình theo quy luật mình mong muốn.
Với một mẫu xe như Geneva, tương lai của Bufori có lẽ sẽ được đảm bảo trong ít nhất 5 tới 10 năm tới. Tuy vậy, Khouri là người không bao giờ dừng lại. Ngay lúc này đây ông và các cộng sự đã lên kế hoạch phát triển hậu duệ của chiếc sedan bên cạnh việc mở rộng quy mô sản xuất để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng Trung Đông, đồng thời mở rộng địa bàn hoạt động sang cả châu Âu.
Trả lại chìa khóa cho Khouri, tôi kết thúc hành trình của mình với Bufori và chào từ biệt ông. "Hãy quay trở lại và trải nghiệm thử mẫu xe mới của chúng tôi khi nó hoàn tất", vị lãnh đạo cười và đưa tay ra bắt tay tôi. Cánh cửa chiếc sedan nhanh chóng khép lại, hình dáng ông cũng biến mất sau lớp kính một chiều. Tôi chợt cảm thấy một sự tương đồng đến kỳ lạ trong tầm nhìn và sự thực tiễn của Gerry Khouri và Ferdinand Piech – cựu lãnh đạo của Volkswagen, tuy nhiên vị lãnh đạo người Áo không toát lên sự ấm áp và tận tâm giống như cái cách mà người "đồng nghiệp" thể hiện.