Nguyên tắc cơ bản khi thiết kế động cơ là dung tích làm việc các xi-lanh bằng nhau. Phát minh mới của Honda đi ngược lại quy luật đó.
Khi động cơ hoạt động, các piston chuyển động khứ hồi tạo ra rung động lớn. Để khắc phục nhược điểm này, các xi-lanh thường được thiết kế cùng dung tích. Đối với động cơ 2 lít 4 xi-lanh, dung tích mỗi xi-lanh là 500 phân khối. Ở chế độ tải nhỏ, một số xi-lanh sẽ tạm ngừng hoạt động. Cứ một xi-lanh nghỉ, dung tích làm việc của động cơ sẽ giảm một lượng tương ứng.
|
Phát minh động cơ mới với các xi-lanh không cùng dung tích của Honda
|
Ví dụ, động cơ 2 lít nói trên có 4 chế độ làm việc với các dung tích 2 lít (cả 4 xi-lanh làm việc), 1.5 lít (3 xi-lanh làm việc), 1 lít (2 xi-lanh làm việc) hoặc 500 phân khối (một xi-lanh làm việc). Do đó, mỗi chế độ làm việc của động cơ cần đến một van tiết lưu để điều khiển động cơ phù hợp với thay đổi nhỏ của tải trọng ngoài. Sử dụng càng nhiều van tiết lưu, tổn thất nạp càng lớn, ảnh hưởng tới mức tiêu thụ nhiên liệu.
Mới đây, hãng Honda công bố phát minh mới với các xi-lanh có thể tích buồng cháy khác nhau để tạo ra sự linh hoạt khi phối hợp làm việc giữa chúng.
Theo đó, động cơ 2 lít gồm 4 xi-lanh có dung tích lần lượt là 300, 425, 600 và 675 phân khối. Chúng có thể hoạt động ở 15 chế độ vận hành khác nhau thay vì 4 như thông thường. Nhờ dung tích động cơ thay đổi ít nên không cần quá nhiều van tiết lưu mà vẫn kiểm soát tốt công suất theo tải trọng ngoài.
Theo Honda, các xi-lanh có đường kính bằng nhau, nhưng hành trình của piston khác nhau. Hành trình lớn tạo ra dung tích lớn. Đồng thời hãng cũng đề cập đến phương án phân phối tải lên trục khuỷu và cách làm giảm rung động do dung tích khác nhau của các xi-lanh tạo ra khi hoạt động. Giải pháp công nghệ này được áp dụng cho động cơ có xi-lanh thẳng hoặc loại V.
Hãng xe Nhật Bản nộp hồ sơ đăng ký bằng sáng chế vào tháng 3/2014 và công bố phát minh mới trước báo giới vào đầu năm nay.
Thế Hoàng
Theo: www.vnexpress.net