Có nước nào lấy nhà mặt đường làm nơi buôn bán, vỉa hè, lòng đường biến thành chợ cóc, chợ xanh?
Ở đâu đó cứ mỗi trận mưa nhà lại thành ao, đường thành sông, ôtô đi vào thì chết máy, xe máy phải "bế" lên thuyền và trẻ em quăng lưới bắt cá giữa đường? Ở đâu dây điện, dây viễn thông, dây truyền hình xoắn vào nhau như mớ rác, thõng xuống, kéo nghiêng cả cột đèn, cột điện? Hố ga bị trộm mất nắp được cảnh báo sơ sài bằng cành cây, hộp xốp, lốp xe hỏng... hay thậm chí còn chẳng được cảnh báo.
Có nước nào ổ gà to như cái thúng, ổ trâu như hố bom xuất hiện không chỉ lác đác mà ở rất nhiều tuyến phố? Có nước nào phải bịt ngã tư để mở lối rẽ ở cách đó một đoạn vì biển báo, đèn tín hiệu cùng CSGT đều bị vô hiệu bởi xung đột của các luồng phương tiện?
|
Ảnh: Phương Sơn.
|
Có nước nào đèn tín hiệu giao thông chập chờn hoặc không hoạt động, biển báo giao thông chỗ thiếu, chỗ thừa, chỗ không hợp lý như đánh đố, hoặc bị che khuất tầm nhìn? Cá biệt, có chỗ giao nhau tên đường tên phố là tên các vị danh nhân, rất rõ ràng, nhưng không được công nhận là ngã ba, vì "nếu là ngã ba thì Sở GTVT phải lắp đặt biển báo. Không có biển báo thì không phải ngã ba...".
Có nước nào đường cao tốc vừa khánh thành hai hôm đã lún nứt? Mặt cầu huyết mạch được thảm nhựa 3-4 lần vẫn không xong. Có nước nào hàng rào hộ lan bị tháo để mở đường trái phép, cọc tiêu bê tông có cốt bằng thân tre?
Xe khách cơi nới hoán cải thành xe giường nằm cấp phép chạy bạt mạng đèo dốc nhỏ hẹp quanh co một bên là núi cao, một bên là vực thẳm? Khi tai nạn, lại "ban bóng" sang nhau nhuần nhuyễn đẹp mắt như Tiqui-Taca của Barca.
Xã hội đen dẫn cả đoàn xe quá tải vượt trạm cân, lơ xe cùng bảo kê bến bãi vả đôm đốp vào mặt hành khách khi họ do dự chọn xe trước cửa bến? Có nước nào mà sự tranh giành bắt khách dọc đường phải dùng đến luật rừng, dùng xã hội đen thao túng, bắt tài xế của hãng xe khác không được vượt, không được bắt khách cho suốt hành trình dài cả trăm cây số?
Ở đâu mà vi phạm dám "phun mưa" vào lực lượng chức năng, phi container thẳng vào xe tuần tra kiểm soát của CSGT, dám cho các anh lên nóc ca-pô, lao xe phá hỏng trạm cân, dùng judo để quật ngã cảnh sát, vác nguyên viên gạch xây nhà để đập vào gáy các anh? Đi tìm căn nguyên cho những hành động coi thường luật pháp này cần rất nhiều giấy mực mới mong cắt nghĩa nổi.
Có nước nào xe lam, xe tự chế không có đăng kiểm do những thương binh giả danh vô tư chở hàng cồng kềnh chạy trong phố, còn xe tải 5 tạ kích thước tương tự như xe lam và đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, đóng thuế, phí đầy đủ muốn chạy đêm hay ngày phải xin thêm "giấy phép con"?
Đường sắt chạy xuyên tâm thành phố, khi giao cắt với đường bộ, đường dân sinh, tạo ra ùn tắc và nguy cơ mất an toàn ghê gớm mà tồn tại tới cả thế kỷ? Nơi tuyến đường huyết mạch giữa thủ đô, được nhà thầu rào chắn để xây hạ tầng, nhưng giải pháp tạo điều kiện để người dân, cơ quan tổ chức... đi lại vì nhu cầu thì chưa được tính đến thấu đáo? Và lệnh "không quản được thì cấm" ôtô một cách cực đoan đã phải dỡ bỏ.
Vô tư trèo qua dải phân cách bằng bê tông hay hàng rào sắt để băng qua đường như những vận động viên điền kinh chạy vượt chướng ngại vật? Có nước nào mà người dân hàng ngày vẫn đi bộ băng qua đường với đa dạng các kiểu đi nhưng điều đặc biệt là không đi ở nơi vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm đường bộ dành cho người đi bộ? Họ đi bừa phứa và cẩu thả, gồng gánh mang vác cồng kềnh. Họ đi sai luật trước mặt CSGT và TTGT, nhưng rất ít khi được các lực lượng này nhắc nhở, chưa nói gì tới xử phạt. Ôtô, xe máy đi như thế thì "chết liền" với các anh.
Nước nào từng đoàn người đi xe gắn máy leo vỉa hè (khi tắc đường tạm chấp nhận được), nhưng đi tắt bằng cách đi ngược chiều cả một đoạn rất dài thì "bó tay". Trong đoàn người đó có không ít gương mặt của các thành phần: từ khả kính xuống đến các trí thức, sinh viên, học sinh, công nhân, nông dân, người lao động tự do...
Nước nào mà xe máy, xe công nông, xe lam, xe tự chế, gia súc, gia cầm dám chạy vô tư trên đường cao tốc, đại lộ, nơi tuyệt đối cấm các phương tiện này? Khái niệm "làn đường hỗn hợp" và "trộn làn" lại đa dạng đến thế? Ở đó mọi loại phương tiện vô tư tì vai, thích cánh cùng tiến với các kiểu tốc độ và hướng đến. "Không được dùng còi nha, dùng còi là vô văn hoá!", một trí thức Việt kiều bức xúc khi so sánh nước ta với Đức và Nhật.
Giới trẻ thường xuyên dùng headphone để nghe nhạc khi điều khiển xe máy, xe máy điện, xe đạp điện... khi tham gia giao thông? Họ bơ hết xung quanh. Họ phi từ ngõ ra. Họ bất ngờ chuyển hướng mà không có tín hiệu báo trước. Họ bất ngờ dừng lại. Họ bất ngờ táp lề hoặc leo lên vỉa hè. Họ đi hàng đôi hàng ba, đùa nghịch rồi bất chợt ngã lăn. Họ trả lời hoặc thực hiện cuộc gọi khi đang di chuyển. Có còi lên để nhắc nhở, chắc họ cũng không nghe thấy. Còi nhiều họ giật mình, và người bấm còi lại bị ghép tội "vô văn hóa".
Nước nào nạn rải đinh, nạn ném đá vào tàu hoả, ôtô trên các tuyến quốc lộ tại một số địa phương lại dai dẳng nhức nhối đến thế? Có nước nào hễ xảy ra va chạm, tai nạn hoặc biến cố khác lại thu hút nhiều người tò mò đến vậy? Đã không tham gia cứu chữa thì thôi, đừng gây thêm ách tắc và làm khó cho công tác cứu nạn, điều tra. Đằng này lại chụp ảnh, chụp ảnh tự sướng trên nỗi đau, nỗi mất mát của người khác để "up lên phây".
Có nước nào lấy nhà chia lô liền kề và xe gắn máy ra làm "kim chỉ nam" quy hoạch đô thị cho tương lai? Chính nhà chia lô, nhà mặt đường tiện cho buôn bán nhỏ lẻ, xe gắn máy tiện cho cá nhân nên mọi người mới đổ ra đầy ắp mặt đường. Phương tiện công cộng không thể tiếp cận với khu dân cư phía sau đường lớn. Vì phía sau đường lớn là ngõ, hẻm, nếu không cua tay áo thì cũng cong mềm mại như chiếc ghi đông xe đạp, chỉ phù hợp cho hai xe máy tránh nhau. Không thuận tiện người dân không đi phương tiện công cộng, thế là phương tiện công cộng không phát triển, luôn trong tình trạng bù lỗ.
Những câu hỏi so sánh trên là những bất cập đã tồn tại, đang tồn tại. Một số đã giải quyết được nhưng chưa triệt để, đòi hỏi các cấp các ngành và toàn xã hội cần cố gắng nhiều hơn nữa. Với tư cách là người dân tham gia giao thông bình thường - người viết mong muốn mọi người đóng góp cho xã hội một điều hết sức giản dị là hãy nhường nhịn nhau, cố gắng tham gia giao thông đúng luật, ứng xử có văn hóa.
Hy vọng một ngày không xa khi các bạn Việt kiều so sánh giao thông nước ta với các nước công nghiệp phát triển hàng đầu sẽ không phải tự ti mà vỗ ngực đầy tự tin.
Nguyễn Phúc Tâm
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của độc giả