Cứ có xe đi, rồi ắt cách di chuyển, đóng góp xã hội sẽ khác, phải có động lực để thay đổi, chứ cứ xây dựng cầm chừng như hiện nay e rằng không hiệu quả.
Hiện nay, giá xe tại Việt Nam rất đắt đỏ, chủ yếu do mức thuế quá cao từ nhập CBU cho tới CKD. Lý do cho mức thuế cao là xe hơi xếp vào mặt hàng xa xỉ không khuyến khích tiêu dùng và cơ sở hạ tầng giao thông không đáp ứng được số phương tiện lưu thông.
Ấy thế nhưng nhìn đi nhìn lại, chỉ có Hà Nội và Sài Gòn là thường xuyên kẹt xe, tắc đường. Phần lớn các tỉnh thành khác không xảy ra hiện tượng này, hoặc có thì rất ít. Vậy tại sao lại bắt người dân tất cả những nơi khác phải chịu chung giới hạn với hai thành phố trên?
Nhìn sang các nước bạn, tốc độ phát triển xe hơi của họ rất cao. Hãy sang Malaysia và xem cách họ phát triển ngành công nghiệp ôtô. Không đi theo hướng công xưởng như Thái Lan, họ phát triển hãng xe riêng, tiêu biểu là Proton. Tuy không thành công như các hãng xe nước ngoài, nhưng người dân luôn có lựa chọn xe giá rẻ để đi. Đường giao thông nội đô của Kuala Lumpur cũng không rộng hơn Hà Nội hay Sài Gòn là bao, thế nhưng xe hơi vẫn đầy đường, là vì sao?
Có nên chăng cứ để xe hơi giảm giá, phát triển thoải mái, đánh thêm thuế, phí tiêu dùng để có tiền xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông. Có nhiều xe, ắt phải mở rộng đường. Chứ như hiện nay, suốt ngày đào lên lấp xuống, nhưng cũng đâu có hiệu quả. Quan điểm của tôi là cứ có xe đi, rồi ắt cách di chuyển, đóng góp xã hội sẽ khác, phải có động lực để thay đổi, chứ cứ xây dựng cầm chừng như hiện nay e rằng không hiệu quả? Các bạn thấy thế nào?
Đăng Phương
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của độc giả
Theo: www.vnexpress.net