Đã vào mùa mua sắm lớn nhất trong năm của thị trường ô tô nhưng các showroom ô tô vẫn vắng khách. Một đại lý Ford Thăng Long ở Láng Hạ (Hà Nội) cho biết tình hình bán hàng vẫn không sáng sủa hơn. Trong tháng 12-2012, đại lý bán ra 50 xe, tương đương mức bán của tháng 11 nhưng chưa bằng một nửa so với sản lượng bán hàng cùng kỳ năm trước.
Chật vật tìm khách
Số liệu của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt (VAMA) cho thấy cả năm 2012, các thành viên chỉ sản xuất hơn 80.000 xe, giảm 34%-38% so với năm trước. Các đơn vị nhập khẩu và đại lý phân phối ô tô cũng đối mặt với tình trạng kinh doanh ế ẩm.
Về sản lượng bán hàng, 10 tháng đầu năm đều có chung tình cảnh là tháng sau bán ít hơn tháng trước. Theo số liệu của Bộ Công Thương, chỉ số tồn kho của ngành sản xuất ô tô, xe máy tăng 42% so với cùng kỳ năm 2011. Doanh số bán hàng chỉ tăng trong 2 tháng cuối năm nhờ sức cầu và những tuyên bố nới lỏng về thuế, phí nhưng cũng không cải thiện được doanh thu của các doanh nghiệp ô tô.
Thống kê của VAMA cho thấy doanh số bán hàng toàn thị trường (gồm cả xe lắp ráp và nhập khẩu) tháng 11 đạt 9.570 chiếc, tăng 20% so với tháng 10 nhưng vẫn giảm 6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lượng xe con tăng được 25%, xe tải tăng 16%, riêng xe nhập khẩu tăng đột biến 46%. Tuy nhiên nhìn chung, thị trường vẫn ảm đạm vì trong cả 11 tháng, sản lượng bán hàng chỉ đạt 82.654 chiếc, giảm gần 30% so với 11 tháng đầu năm 2011
Ngay cả khi dự báo sản lượng bán hàng tháng 12 tăng được 29% so với tháng 11 thì mức tiêu thụ của toàn ngành ô tô năm qua cũng chỉ đạt khoảng 95.000 chiếc, giảm 14,4% so với năm 2011 và là mức thấp nhất trong 5 năm gần đây.
Xe nhập khẩu còn giảm mạnh hơn. Tính chung cả năm 2012, tổng lượng ô tô nguyên chiếc nhập về Việt Nam đạt gần 28.000 chiếc với kim ngạch 617,4 triệu USD, giảm gần 49% về lượng và giảm 40% về giá trị so với năm trước.
Chờ chính sách
Theo giới kinh doanh ô tô, bên cạnh khó khăn chung của nền kinh tế thì tác nhân khiến sức tiêu thụ ô tô giảm mạnh trong năm vừa qua là chính sách thuế, phí. Chỉ trong tháng đầu tiên sau khi Bộ GTVT trình Chính phủ đề án thu phí lưu hành phương tiện cá nhân, sản lượng bán hàng tháng 1-2012 đã giảm 61% so với tháng trước và giảm 60% so với cùng kỳ. Sau đó, thị trường ô tô còn bị “bồi” thêm bởi đề xuất thu phí sử dụng đường bộ cũng như chính sách tăng thuế trước bạ, tăng phí cấp biển số tại Hà Nội và TPHCM…
Thị trường èo uột kéo dài nên ngay cả khi 2 tác nhân lớn đẩy thị trường ô tô lao dốc là phí lưu hành phương tiện cá nhân đã được tuyên bố là không ban hành, phí sử dụng đường bộ lùi thực hiện 6 tháng, thị trường đã không tăng nhanh như việc lao dốc trước đó. Một doanh nghiệp ô tô cho rằng: Không chỉ vì túi tiền eo hẹp, người tiêu dùng lúc này dường như vẫn chưa thực sự tin tưởng về chính sách thuế, phí ổn định, mang tính chất hỗ trợ để đi đến quyết định sắm xe.
Anh Nguyễn Tiến Đạt, nhân viên kinh doanh Ford Thăng Long, phân tích: “Ảnh hưởng nhiều đến doanh số bán hàng là lệ phí trước bạ. Tuy nhiên, việc giảm lệ phí trước bạ mới được đề xuất nhưng chưa chính thức thông qua nên khách hàng phần nhiều có tâm lý chờ đợi, khiến thị trường vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc”.